My Trip to Việt Nam

Translated to Vietnamese by Ha Tran
Original English Version - click here

 

Nhật ký chuyến thăm Việt Nam

 

Ðêm đầu tiên

 

Thứ sáu ngày 18 tháng 2 năm 2005

 

Khi chúng tôi đáp máy bay xuống Việt Nam thì đã gần nửa đêm.  Dưới bầu trời quê hương đen kịt treo lơ lửng trong bầu không khí ẩm thấp là ánh đèn vàng hiu hắt đang cố xuyên thủng một màn sương ô nhiễm.  Chào người về thăm quê hương!  Thế mà đã ba mươi năm viễn xứ rồi đấy!

 

Không ngờ phi trường quốc tế Tân sơn Nhất thật hiện đại!  Nhân viên hải quan là một phụ nữ non bốn mươi tuổi.  Khá chuyên nghiệp và không đòi ăn hối lộ!  Cho nên chẳng mấy chốc, chúng tôi đã ngồi chễm chệ trên một chiếc taxi cũ kỹ và xơ xác để tiến về phía trung tâm Sài Gòn.  Ðã quá mười giờ mà đường sá vẫn đầy nghẹt xe hơi và xe gắn máy.  Những mái nhà cũ kỹ và những tòa nhà cao ốc trơ trọi xem thật tiều tụy, còn nhịp sống của thành phố thì hối hả, xô bồ, mất vệ sinh và mỏi mệt.  Cuốc taxi bình thường, nhưng Dung vẫn tỏ vẻ ray rức hoài nghi về món tiền 20 đôla đã phải ứng trước cho người tài xế.

 

Mãi đến khi chúng tôi lấy phòng ở khách sạn Bông Sen, nằm trên đường Ðồng Khởi ( Tự Do cũ) khu trung tâm của Sài Gòn, thì anh bồi phòng đã khẳng định là Dung đã trả mắc cho cuốc taxi ấy!  Khách sạn không có những tiêu chuẩn như Dung muốn, nhưng ít ra thì nàng cũng hài lòng với sự sạch sẽ và cách trang trí khá bình dị và cân xứng của nó.  Phòng có gắn máy lạnh thật dễ chịu, thật xứng đáng với giá 60 đôla một đêm.  Quá bơ phờ sau cuộc hành trình dài 24 giờ đồng hồ liền, chúng tôi đánh ngay một giấc say sưa ngay trong đêm đầu tiên về thăm quê hương.

 

 

Thứ bảy ngày 19 tháng 2 năm 2005

 

Cô Sáu

 

Dung nhảy xổ ra khỏi chiếc taxi và ôm chầm lấy một người đàn bà già yếu mà nàng gọi là Cô Sáu.  Suốt buổi sáng, nàng rất nôn nao về chuyến đi thăm người đàn bà này.  Nàng nuốt vội tô phở sáng nay ở khách sạn Bông Sen và hối hả gọi điện thoại lung tung.  Ðể đến khi ôm được người đàn bà nhỏ nhắn này trong vòng tay thì khuôn mặt nàng đã đẫm lệ.  Ðôi gò má còm cõi của Cô Sáu cũng tuôn đầy nước mắt.  Hơn bảy mươi tuổi đời và ba mươi năm xa cháu, người đàn bà già nua vừa cười vưà khóc mừng rỡ.  Tôi lẳng lặng ôm cái túi đựng đầy những quà tặng mà Dung đã tỉ mỉ sửa soạn sẵn từ lúc còn bên Mỹ và bước theo hai cô cháu đi xuyên qua một căn nhà nhỏ, ắt còn là nơi cư ngụ của nhiều gia đình khác nữa.

 

 

 

Cô Sáu ăn, ở, và ngủ trên một chiếc giường nhỏ cũ kỹ gọi là chiếc "đi-văng" với những đồ vật tùy thân khiêm tốn đặt xung quanh.  Chiếc giường gỗ được kê trong góc giữa hai gian nhà, ở cuối bức tường nhà này ngó ra đàng sau hẻm.  Trên tường nhà có trổ ra một bàn thờ nhỏ với những di ảnh tổ tiên của Dung.  Chúng tôi cùng thắp nhang khấn vái.

 

Phải bắt đầu hàn huyên như thế nào sau 30 năm xa cách?  Phải tình tự làm sao cho đủ để bày tỏ những nổi niềm thương nhớ và mong đợi từ bao nhiêu năm nay?  Tất cả chỉ là nước mắt!  Nhưng đã nói rất nhiều.

 

Cô Sáu hãnh diện dắt Dung đi giới thiệu với mọi người, có khi là họ hàng, có khi chỉ là kẻ bàng quang.  Người đàn bà nhỏ thó cứ cười nói liến thoắng, và cứ nắm chặt tay Dung không rời.  Một con chuột cống chạy vụt qua hiên nhà nơi dùng để rửa chén bát, nhưng chẳng ai buồn đếm xỉa đến.

 

Căn nhà ở đường Huỳnh tịnh Của

 

Hai vợ chồng tôi và cô Sáu đi một cuốc taxi ngắn để đến thăm căn nhà nơi Dung đã từng ở 30 năm trước đây.  Căn nhà trông khá kiểu cách và đồ sộ so với con đường Huỳnh tịnh Của khiêm tốn.  Căn nhà này, nay là nhà hàng Hoa Cau.  Qua màu sơn xanh đỏ diêm dúa, những kẻ đang cư ngụ ở đây đã cố tình che đậy hào quang dĩ vãng của ngôi nhà này một cách vụng về.  Ðứng trước thềm nhà nhìn vào, Dung chỉ biết sửng sờ và buồn bã.  Ðây là nơi mà nàng đã lớn lên trước khi chiến tranh chấm dứt.  Tôi chụp một vài tấm ảnh từ bên ngoài rồi mới xin phép chiêu đãi viên để chụp thêm một vài tấm ảnh nữa ở bên trong, trong khi cô Sáu và Dung lúng túng để tránh né những câu họ hỏi chúng tôi đến đây để làm gì.

 

( Hình:  nhà hàng Hoa Cau )

 

Chúng tôi băng qua đường và đi vào một ngõ hẻm đối diện với nhà hàng.  Con đường hẻm bị trũng ngay giữa lối đi với một giòng nước đang chảy róc rách.  Thật hôi thối và tù túng!  Ðến gần cuối ngõ hẻm ngoằn ngoèo thì chúng tôi bước vào một căn nhà nhỏ.  Căn nhà rộng chừng 3m x 4m mà bao gồm phòng khách, phòng gia đình, phòng ăn, phòng ngủ, nhà bếp và cầu thang, tất cả được cuốn gọn vào cái khoảng không gian tù hãm ấy.  Gia đình dượng của Dung và con cháu họ đều ở cả đấy.  Ai cũng mừng rỡ được gặp lại Dung.

 

Chỉ một vài phút sau là mọi người đã chóng vánh tề tựu đông đủ cho buổi đoàn viên của gia đình.  Ông dượng và các con cháu của ông chẳng hiểu đang làm gì ở đâu mà bỗng chốc kéo về nườm nượp.  Gặp mọi người, Dung sung sướng và cảm động quá.  Cứ thế mà biết bao tâm sự tuôn ra không ngớt.  Có cả những chuyện kể về số phận căn nhà của Dung ngày xưa đã bị tịch thu, bị hôi của,  rồi sửa lại và xây thêm vào như thế nào.  Nàng hỏi họ thật nhiều về cuộc sống và hoàn cảnh gia đình của từng người.  Rồi lại kể cho họ hoàn cảnh của chính mình.  Hết người này cười đến người khác khúc khích.  Không một chút gượng gạo xã giao, tất cả chỉ là niềm vui của gia đình được đoàn tụ.

 

Cậu mợ Tài

 

Vợ chồng tôi lại đi thêm một cuốc taxi để thăm một người bà con khác của Dung.  Bác tài xế chở chúng tôi đi trên con đường Cách Mạng Tháng Tám ( tức đường Lê văn Duyệt cũ ).  Con đường tấp nập những cửa hiệu và khách mua bán.  Ngoảnh đâu cũng thấy toàn là những xe gắn máy.  Ðèn báo lưu thông thì chẳng có bao nhiêu, hoặc có mà bất khiển dụng.  Hàng ngàn người đi về lũ lượt.  Hết xô bồ, chen chúc rồi lại tỏa đi về mọi phía.  Chẳng có xe cộ nào tuân theo luật lệ, nhưng ai cũng luồn đi lách về một cách an toàn thế mới tài.  Ðây chính là Sài Gòn mà tôi từng thấy trong những giấc chiêm bao, có điều là nó căng thẳng hơn độ một chục lần.

 

 

( Hình: cậu mợ Tài và Dung )

 

Cậu Tài và toàn thể gia đình sống chung trong một đại gia trang, theo đúng nghĩa Việt lẫn Mỹ.  Ðó là một dinh thự cao bốn tầng nguy nga tọa lạc ngay trên đường Mai Sơn với mặt tiền chiếm tám thước, chứ không phải như trung bình là bốn thước, hoàn chỉnh với những ụ xe hơi và chỗ ăn ở của gia nhân.  Căn nhà được trưng dụng làm nhà hàng, nhưng chỉ dành cho những tiệc được đặt trước.  Hình như cậu Tài đang ở trường đua ngựa, chỉ còn mợ ở nhà chờ đón chúng tôi với cung cách thật vồn vã chính hiệu miền Nam.  Mợ ân cần dắt chúng tôi đi coi khắp nhà và mời chúng tôi ở lại dùng cơm trưa.  Chúng tôi phải xin kiếu tạm để chạy đi chỗ khác trong lúc gia nhân của mợ làm bữa ăn trưa cho chúng tôi.

 

509 Trần Hưng Ðạo, Sài Gòn 2

 

Taxi chở chúng tôi đến căn nhà tôi ở ngày xưa trên Ðại lộ Trần Hưng Ðạo.  Ðại lộ này vẫn huy hoàng như thuở nào.  Chắc nó là con đường lớn nhất và sạch nhất ở Sài Gòn.  Xe chở chúng tôi chạy ngang qua những rạp chiếu bóng, những cửa hiệu và những toà nhà cao ốc cũ.  Rồi người tài xế bỗng đánh một vòng chữ U đễ đỗ xịch chiếc xe ngay trước căn nhà cũ của tôi.  Chính là nó nhưng chẳng còn là nó nữa.  Mái ấm bốn tầng khang trang xưa kia nay là tiền sảnh của hãng Electrolux.  Còn đâu cái biệt thự lộng lẫy năm nào với những bảng hiệu chạy đèn xoắn tít!  Mặt đường phía trước cũng thay đổi hẳn.  Tầng hai của căn nhà là một bar bán rượu với cái mái hiên xây thêm chìa ra trông thật chướng mắt.  Vì chiếc taxi đỗ ngay giữa lối vào hẻm với nhiều xe gắn máy chạy qua về, tôi đành chụp vội một vài tấm ảnh rồi vù gấp.

 

 

( Hình:  căn nhà ở đường Trần Hưng Ðạo )

 

Chỗ gọi là Bộ Lao Ðộng bây giờ ở ngay gần đây, là nơi tôi đã tập chạy xe đạp năm nào, cũng thay đổi.  Giờ nó là một cơ quan gì đó của chính phủ.  Trung Tâm Cảnh Sát phía bên kia đường nay cũng biến thành tài sản chính thức của nhà nước.

 

Trường Thánh Linh

 

Tôi bảo tài xế chở vợ chồng tôi xuống đường Nguyễn Biểu băng qua chợ Nancy, và quẹo trái vô đường Phan văn Trị.  Tôi rành con đường này lắm, vì nó là lối cũ mà xưa tôi đã từng đi bộ hằng bao nhiêu năm đến trường tiểu học Thánh Linh.  Bác Ái Học Viện nay đã thành Trường Sư Phạm.  Ngay cả trường Thánh Linh cũng đã đổi tên mới là "Trung Học Ba Ðình".  Tôi vừa chụp ảnh vừa bước vào mái trường xưa để chụp thêm ít tấm nữa.  Trường nhỏ quá so với ký ức của tôi.  Bậc thang lầu vẫn còn đó và trông vẫn còn y như xưa.  Lớp học cũ vẫn mang đến biết bao nhiêu là kỷ niệm.  Tôi chợt nhớ đến anh Hưng và chị Vy.  Anh Hưng và tôi thường rượt nhau chạy rầm rập trên hành lang này.  Ðây là mái trường đầu tiên trong đời và là nơi tôi đã lớn lên.  Tôi ngó lên lầu bốn để thấy phòng ngủ vẫn còn ở đó, và bỗng hồi tưởng đến quãng đời nội trú bứt rứt năm nào.

 

 

( Hình:  Trường Thánh Linh )

 

Tôi chụp ít tấm ảnh những căn nhà cũ của tôi nằm trên đường Phan văn Trị.  Cây vú sữa năm xưa trồng phía trước một căn nhà đã bị người chủ mới đốn bỏ từ hồi nào.  Tôi chẳng còn nhận ra những căn còn lại nữa, nhưng vẫn chụp lấy ít tấm hình làm kỷ niệm.

 

Bữa ăn trưa Việt Nam

 

Khi chúng tôi trở về nhà của mợ Tài thì mọi người đã nấu sẵn một bữa ăn thịnh soạn.  Cua dầm nước sốt, tôm luộc, súp đồ biển và đủ loại rau.  Tôi không hiểu vì thức ăn nóng, đồ ăn ngon, hay thật ra chỉ vì những món ăn còn tươi rói, đã làm bữa ăn trở nên rất ngon miệng?  Có lẽ vì không khí thoải mái và những tiếp đãi ân cần cũng nên.

 

Mợ Tài có đứa con gái đã ngoài hai mươi tuổi tên là Tú.  Tú hiện đang làm việc cho Hàng Không Việt Nam.  Cô ta có học thức, du lịch nhiều và lịch lãm.  Cậu mợ rất hãnh diện về Tú, và vợ chồng tôi cũng thấy thú vị khi nghe cô bày tỏ những quan niệm sống của giới trẻ Việt Nam thời nay.

 

Sau bữa ăn, chúng tôi ngõ lời mời tất cả cùng ăn bữa tối với vợ chồng tôi tại nhà hàng Hoa Cau; chúng tôi về khách sạn, để cô Sáu ở lại nhà cậu mợ Tài.

 

Dinh Ðộc Lập

 

Trên cuốc taxi trở về khách sạn, tôi bảo tài xế trả chúng tôi xuống Dinh Ðộc Lập.  Tòa nhà vẫn vĩ đại.  Chính phủ chế độ mới vẫn để nguyên hai chiếc xe tăng trên sân cỏ đằng trước để kỷ niệm chiến thắng, và với hơn 50 cent tiền vé vào cổng, chúng tôi đã được dắt đi một vòng có người hướng dẫn khắp dinh và khu vực bao quanh.

 

 

( Hình:  phòng họp trong Dinh Ðộc Lập )

 

Chúng tôi lê bước qua những hành lang và những phòng ốc vắng lặng khắp dinh.  Tôi dùng máy quay phim để quay lại Phòng Họp Nội Các và những phòng khác, nơi những con người nắm quyền lực đã từng gặp gỡ hội họp để quyết định sinh mạng của hàng triệu nhân dân miền Nam, trong số đó có cả chúng tôi.  Tôi leo hẳn lên sân thượng để chụp ảnh Sài Gòn bên dưới.  Một chiếc trực thăng nằm lẻ loi như thể mặc niệm cho chế độ cũ.  Dung đã từng chạy tung tăng khắp các hành lang trong cái dinh này, nhưng không thể nhớ nổi chi tiết là những hành lang nào.  Tôi chợt nghĩ đến lối sống của tầng lớp giàu sang và quyền thế ngày xưa trong dinh này so với những gì đã xảy ra cho mọi người hiện nay.  Nếu vận nước rẽ sang một ngõ khác, liệu tôi đã có cơ duyên nào để gặp Dung và cưới nàng làm vợ?

 

Chúng tôi phải đợi năm phút để đi bộ sang bên kia con đường nằm trước Dinh Ðộc Lập.  Lại những xe gắn máy tràn ngập.  Vài chiếc xích lô sà tới hỏi chúng tôi có đi không.  Ắt họ nhận ra chúng tôi là Việt kiều.  Trên đoạn đường đi bộ đến Nhà Thờ Ðức Bà, vài đứa bé chạy theo dạm bán hàng rong rồi ỉ ôi xin tiền.  Tôi thấy nhớ các con Vân, Vinh, Minh của tôi.  Chúng đi chân không, dơbẩn, và miệng thì lại sách nhiễu, những đứa trẻ này mè nheo chúng tôi theo sự đạo diễn của cha mẹ chúng  từ đàng xa.  Thật ra vợ chồng tôi chỉ ngán chúng sẽ bu đông vào càng thêm phiền phức nên chả ai dám dừng lại hoặc mua một món đồ gì của chúng nó.

 

 

   

( Hình: nhà thờ Ðức Bà )

 

 

( Hình: Bưu Ðiện Sài Gòn )

 

Nhà thờ Ðức Bà nhỏ hơn nhiều chứ không lớn như trong ký ức của tôi, dầu sao tôi cũng ghé vào đọc một ít kinh cầu cho quê hương và đồng bào.  Chúng tôi tạt qua Bưu Ðiện bên kia đường và mua cho ba tôi một món quà kỷ niệm nho nhỏ.  Rồi cứ thả bộ xuống trường Lasan Taber để tìm lại trường Saint Paul, nhưng chẳng thấy nó đâu cả.  Cuối cùng chúng tôi thả bộ thẳng xuống Ðại Lộ Ðồng Khởi để về lại khách sạn. 

 

Chợ Bến Thành

 

Về đến khách sạn, chúng tôi thay đồ thật lẹ và đi thẳng ra chợ Bến Thành.  Chúng tôi rảo bước ngang qua Khách sạn Continental,  Khách sạn Caravelle, Thượng nghị viện, Hạ nghị viện, bùng binh, Thương xá Tax, rạp Rex để đi đến chợ, chỉ dừng chân một lúc ngắn cho Dung uống ly nước mía giải khát.

 

 

(  Hình:  chợ Bến Thành )

 

Chợ Bến Thành đẹp và sạch hơn tôi tưởng nhiều, tuy khá chen chúc và hầm.  Chợ thì ồn ào và không có hệ thống thoát hơi.  Tôi dạo bước dọc theo những núi trái cây, đồ trang sức, vải vóc, đồ lưu niệm, thực phẩm, rõ là được chưng bày loạn xạ chẳng theo một trật tự nào.  Một bộ tượng Phước Lộc Thọ bắt ngay vào mắt tôi với giá 750.000 đồng làm tôi không cưỡng nổi.  Dung thì mua cam thảo từ sạp của một bà bán hàng nhỏ con có đứa con gái đã không hùng hổ  lắm khi chào hàng với nàng.

 

Bữa ăn tối dưới mái nhà xưa

 

Dung và tôi kéo nhau đi ăn bữa tối ở nhà hàng Hoa Cau, mái nhà xưa của nàng.  Chúng tôi cũng đã mời cô Sáu, ông dượng, tất cả các anh chị em họ và cậu mợ Tài.  Cả thảy là 22 người đến dự bữa.  Tôi quay phim khắp nhà và những diễn tiến của bữa ăn cho Dung.  Còn nàng và tất cả họ hàng thì ung dung dắt nhau đi dạo hết các phòng để nàng cắt nghĩa cho mọi người cùng biết ngày xưa phòng nào đã được dùng vào việc gì.  Căn nhà cũ hẳn đã lột xác.  Những bức tường đã được đập phá đi và gạch bông lót sàn nhà cũng bị gỡ sạch, có lẽ để bán lấy tiền, và cả thảy các phòng nay đã được cải sửa thành những phòng ăn riêng tư có gắn máy lạnh.

 

 

 

( Hình:  toàn thể họ hàng chụp trên thang lầu trong nhà hàng Hoa Cau )

 

Rốt cuộc, chúng tôi ngồi ăn ngay trong căn phòng ngày xưa đã được làm phòng ngủ của Dung.  Thật khó mà biết Dung đang vui hay buồn khi nàng đang ngồi ngay dưới mái nhà xưa của chính mình mà nay đã không còn là của mình nữa.  Có điều tôi biết chắc chắn rằng gia đình nàng ắt phải rất giàu có trước năm 1975.  Tôi cảm thấy rầu rầu cho cha mẹ nàng khi chúng tôi bước ngang qua căn phòng xưa kia đã từng là phòng ngủ của ông bà.

 

Bữa ăn dở ẹt, và nhân viên phục dịch thì bết bát, nhưng mọi người vẫn hân hoan và sung sướng.  Dung và tất cả bà con của nàng quả thật rất mừng rỡ khi gặp lại nhau.  Cậu Tài có đến và ngồi làm bia cho mọi người trêu chọc, có lẽ vì cậu là người giàu có nhất hiện nay trong họ.  Tổng cộng tiệc phí là 2 triệu đồng ( US $130.00).  Mọi người no nê hể hả.  Bia uống khá nhiều.  Dân Việt Nam bản xứ có thể uống bia như hũ chìm.

 

Chủ nhật ngày 20 tháng 2 năm 2005

 

Long Thành

 

Chúng tôi lại hối hả kết thúc bữa ăn sáng tại khách sạn Bông Sen.  Người tài xế taxi mà Mẫn đã dặn đến khách sạn đón để chở chúng tôi đi chơi sáng nay , đã đến sớm hơn 15 phút.  Anh ta tên là Ngọc, một người đàn ông dễ mến ngót 50 tuổi lái chiếc ô-tô hiệu Daewoo còn mới của Ðại Hàn, nhưng vẫn khăng khăng cho rằng chiếc này là của hãng General Motors.

 

Anh Ngọc chở chúng tôi về Long Thành, một tỉnh nhỏ nằm khoảng 80 cây số về phía tây nam của thành phố Sài Gòn, nơi ba tôi từng làm tỉnh trưởng trong mười năm trời.  Ðây còn là sanh quán của cô em gái Huyền của tôi,  nay là một bác sĩ nhãn khoa, nó sinh năm 1962.  Ðoạn đường từ Sài Gòn về đến đó kéo dài khoảng 2 giờ đồng hồ kể từ lúc chúng tôi luồn lách qua khỏi Bến Bạch Ðằng, cầu Thị Nghè, xa lộ Sài Gòn, Thủ Ðức, Biên Hòa, rồi phóng thẳng về Long Thành để ghé thăm anh Tạo và gia đình ở đó. 

 

 

( Hình:  ven đường xa lộ, từ trong xe nhìn ra )

 

Ngay tại ngoại thành Sài Gòn là những tiểu khu dành xây dựng lên những căn nhà đắt tiền và hiện đại.  Xa lộ thì tràn ngập những xe gắn máy, xe hơi và vận tải nặng đủ loại.  Rải rác dọc theo xa lộ có vài đoạn đường có con lươn bê tông để chia đôi con đường, đa số phần còn lại là không có.  Ở những đoạn không có con lươn, các xe trọng tải cứ đánh vòng cua chữ U bừa bãi ngay giữa luồng xe gắn máy và những người đang đi bộ.  Quả là một cảnh hỗn loạn.  Chỉ khi nào sự lưu thông bỗng chậm hẳn lại thì ta mới biết rằng có công an đang đón phía trước.  Công An ( kiểm soát lưu thông ) đây là những anh chàng mặc đồng phục ka-ki xốc xếch tay cầm những khẩu súng bắn tốc độ và ra hiệu cho những kẻ chạy quá

tốc độ phải dừng lại.  Những anh chàng đen đủi nhỏ con, vẫn thường đứng ngay bên cạnh xe công vụ của họ là những hung thần của xa lộ.  Theo lời kể của anh Ngọc thì những xe chạy quá tốc độ sẽ bị phạt rất nặng theo luật lệ hiện hành ở Việt Nam.

 

Dọc theo các xa lộ, những mảnh đất xưa kia dùng để trồng lúa nay đã trở thành những cửa hiệu buôn và những công trường sản xuất.  Ðâu cũng thấy người với người.  Bụi bặm tung mù mịt khắp nơi và nhà hàng cùng những quán cà phê thì chạy thành hàng dãy hai bên như bất tận.  Cảnh này làm tôi nhớ đến Bắc Kinh, Nam Kinh bên Trung Quốc.  Nếu đây là một dấu chỉ của công cuộc canh tân ở Việt Nam hiện nay thì tôi ước chừng tương lai của Việt Nam sẽ trở nên rực rỡ chỉ trong một vài năm tới.

 

Chúng tôi chạy ngang qua một vài mảnh rừng trồng cây cao su ở Long Thành.  Ba má tôi từng sở hữu ít mảnh đất trong rừng cao su này, và tôi vẫn nhớ rõ đã nhiều lần đi băng qua nó để đến sở làm của ba tôi.  Giờ thì tuy tôi chẳng còn nhớ sở làm của ông nằm ở đâu, tôi vẫn có thể thấy những cơ sở của chính quyền tỉnh đều khá đồ sộ và mới mẻ.  Chứng tỏ rằng nhà đương cuộc Việt Nam đã chăm lo cho công chức của họ khá chu đáo.

 

 

( Hình: nhà của anh Tạo )

 

Gia đình anh Tạo sống khá sung túc.  Con cháu anh em của anh ta sống trong một loạt những căn nhà nhỏ xinh xắn mới cất với một sân rộng đằng trước cho tất cả xài chung.  Mười năm trước đây, anh Tạo đã về thăm người anh lớn tuổi hơn là anh Tân và biếu anh ta 10.000 đô la đặng giúp anh ta mua một chiếc xe vận tải.  Anh Tân đã dùng chiếc xe vận tải này để chuyển vận hàng hóa đi về giữa Long Thành và Sài Gòn, và từ đó gia đình đã sống khá dư dả so với thời giá ở Việt Nam.  Hiện nay thì nhân số trong gia đình đã tăng lên, có người vẫn còn ở quanh quẩn trong những căn nhà nhỏ mới cất này, có người đã dọn ra sống cạnh xa lộ.  Hãng vận tải bắt đầu với một chiếc duy nhất ngày xưa nay đã thành một đội gồm ba chiếc, do con cái hoặc người nhà điều khiển.  Một gương thành công của xã hội Việt Nam.

 

Hiện nay anh Tân chỉ ở quanh quẩn trong nhà để chăm sóc cho người mẹ già, nuôi chó bẹc-giê và điều hành những chuyến vận tải hàng hóa.  Vợ anh là một phụ nữ miền Nam với giọng nói ngọt ngào và miệng luôn tươi cười, đã cho chúng tôi ăn đủ thứ trái cây như: mãng cầu, vú sữa, bưởi, sầu riêng, xoài, chôm chôm ...và mẹ anh ta, một cụ bà nhỏ nhắn 91 tuổi đã tỏ vẻ vui mừng khi gặp chúng tôi.  Không hiểu con hay cháu gì của ai mà cứ chạy lăng xăng từ nhà này qua nhà khác,  và tiếng nhạc karaoke thì cứ văng vẳng đâu đó.  Cảnh này làm tôi nhớ nhiều đến bác Ba và dì Hai của tôi ở Nha Trang, những năm còn thơ ấu.  Ôi, cái thuở ấy sao mà vô tư lự, tuy nghèo mà vui đáo để!

 

Vũng Tàu

 

Anh Tân dắt chúng tôi đi ăn trưa tại một nhà hàng đồ biển mà anh vẫn năng lui tới.  Nhà hàng lớn lắm.  Nó dư sức chứa từ 300 cho đến 400 thực khách và toạ lạc ngay giữa bóng râm của một vườn xoài.  Phải nói là đồ ăn thì khá tươi ngon, nhưng khí hậu thì oi bức quá.  Vợ chồng tôi đành phải ăn cho nhanh và uống thật nhiều nước.

 

 

( Hình: bãi biển Vũng Tàu )

 

Sau đó, anh Ngọc chở chúng tôi ra Cấp.  Cuốc xe phom phom thật dễ chịu và xa lộ thì tráng nhựa vẫn còn mới.  Vào đến Bà Rịa thì cảnh trí còn tươi mát hơn nhiều.  Anh Ngọc cho chúng tôi biết rằng Vũng Tàu ngày nay là địa điểm chủ yếu để thu hút những khách du lịch giàu có và khách thưởng ngoạn đến từ Sài Gòn.  Chả trách gì chính quyền địa phương đã vung tiền để cải tiến và bảo toàn môi sinh bên trong cũng như chung quanh thị xã này.

 

Hồi tôi còn nhỏ, cái tên Vũng Tàu nghe sao mà lớn lao và áp đảo!  Trong trí nhớ của tôi, các cửa hiệu và những con đường năm xưa trông thật lớn lao và hấp dẫn, các bãi biển đẹp đẽ thì dài hầu như bất tận.  Tuy nhiên, Vũng Tàu ngày nay trông sao sơ sài lạ, ai mà dám đem nó đi so sánh với những địa danh như Cancun hoặc Hawai?

 

Anh Ngọc chở chúng tôi ra Bãi Sau, Bãi Trước và núi Vũng Tàu, cả Dung và tôi đều thất vọng ê chề!  Bãi biển thì đông nghẹt, các khách sạn và nơi nghỉ mát chỉ thuộc loại tạm được, và cảnh trí thỉ chẳng thấy gì là hữu tình!  Có lẽ tôi đã hoài niệm quá nhiều và nuôi ước vọng quá cao, nhưng dẫu sao thi chúng tôi cũng đã chưa đi hết kia mà!

 

   

( Hình: một sạp hàng trái cây với những món đã lột sẵn vỏ )

 

Trên đường về, chúng tôi tạt nhanh vào Thủ Ðức đặng tôi chụp vài tấm ảnh của An-Phong Học-Viện, nhà đệ tử mà tôi đã theo học ngày xưa.  Nhưng nhà ấy nay đã biến thành bịnh viện và trông khác đến độ tôi không nhận ra nổi.  Con đường dài thanh vắng năm nào, nơi tôi từng thả bộ về nhà dòng mỗi tuần, nay đã mọc san sát những hiệu buôn và nhà cửa ở cả hai bên đường.  Cảnh vật quá đổi thay trông sao buồn lạ,  càng nhìn càng thêm ngao ngán!

 

Trên đường trở về khách sạn, anh Ngọc chở chúng tôi chạy ngang trường Lasan Taber để tôi chụp vội vài tấm ảnh đem về cho mấy người anh của Dung, là những người đã từng theo học ở trường này.  Còn trường công giáo Saint Paul thì anh Ngọc cho chúng tôi biết rằng nó đã bị san bằng để phóng đường lộ cho xe chạy. 

 

 

( Hình: trại bò sữa Long Thành )

 

Nhà hàng Sông Nghé

 

Ðêm ấy, vợ chồng chúng tôi dắt nhau đi ăn tối ở nhà hàng Sông Nghé, một nhà hàng cao cấp đã được các nhân viên trong khách sạn nồng nhiệt giới thiệu.  Mặc dù đó là một nhà hàng thanh lịch và sạch sẽ với những du khách Nhật Bản và khách thượng lưu của Sài Gòn hay lui tới, các bạn hãy nghe tôi là ... quên nó đi!  Ðồ ăn thì mắc mà chẳng ngon lành chi cho đáng, chỉ tổ uổng tiền, dù đó chỉ là tiền... Việt Nam!

 

Thứ hai ngày 21 tháng 2 năm 2005

 

Về Nha Trang

 

Sáng chủ nhật, vợ chồng tôi bay sớm ra Nha Trang.  Phải công nhận phân-cảng quốc nội của phi trường Tân Sơn Nhất cũng khá sạch sẽ và hiện đại.  Bay trong nước thì chẳng có gì là phải hấp tấp.  Chúng tôi ăn phở ở khu vực ăn uống công cộng của phi trường rồi mới tà tà theo chân các du khách ngoại quốc đi vào chiếc 737 bay về Cam Ranh.  Căn cứ không quân Cam Ranh ngày xưa của quân đội Mỹ nay trở thành phi trường chính thức của thành phố Nha Trang.  Còn sân bay cũ của thành phố Nha Trang thì trở thành sân bay cho những máy bay có cánh quạt loại nhỏ, chỉ để bay quanh quẩn trong vùng.

 

 

( Hình: bãi biển Nha Trang dọc theo đường Trần Phú )

 

Trên chuyến bay, chúng tôi ngồi cạnh một người đàn ông khá tử tế tên là Nguyễn văn Tâm.  Anh Tâm và những người hùn vốn đang cất một khách sạn cao 20 tầng với 320 phòng ngó ra bờ biển Nha Trang.  Chừng xây xong, ắt nó sẽ là tòa nhà cao nhất của thành phố này.  Anh có một đứa con trai đang theo học ngành quản trị khách sạn ở đại học Houston.  Rồi anh ngõ ý cho chúng tôi quá giang về Nha Trang một khi máy bay đáp xuống phi trường.

 

Ðường xa lộ thông thương giữa Cam Ranh và Nha Trang thật tốt.  Nó ôm tròn dãy núi ở một bên, nhưng nhường hẳn phía bên kia cho ta thấy hẳn toàn cảnh của vịnh Cam Ranh.  Vẻ đẹp của nó làm chúng tôi ngây ngất:  màu nước xanh biêng biếc chiếu lấp lánh trên những triền cát trắng và cứ thế chạy xoải theo bãi biển dài đến vô tận.  Quả thật, nét đẹp thiên nhiên cuả nó vẫn không bị những khách sạn và khu nghỉ mát quanh đó làm suy xuyển đi một chút nào.

 

Dọc theo xa lộ, anh Tâm chỉ cho chúng tôi địa điểm mới của Tu Viện Sao Biển, và chúng tôi có dừng hẳn lại để chụp một vài tấm ảnh cho anh Hưng, anh của tôi, vì anh ta từng là một chủng sinh theo học ở đó.  Theo lời kể của anh Tâm thì chủng viện Sao Biển cũ đã bị nhà nước tịch thu nên phải dời ra đây.  Họ bảo rằng bãi biển không phải là chỗ của những nhà tu hành!

 

Lữ quán Nha Trang

 

Các nhân viên của khách sạn Bông Sen ở Sài Gòn đã giới thiệu cho chúng tôi Lữ quán Nha Trang, và quả là nó khá đẹp.  Lữ quán Nha Trang tọa lạc ngay trên đường Trần Phú quay mặt ra bãi biển.  Vẫn còn sớm chán, chúng tôi thu xếp để chụp những tấm ảnh bãi biển Nha Trang thật tuyệt diệu ngay từ bao lơn của khách sạn.

 

 

( Hình: Lữ quán Nha Trang )

 

Hai vợ chồng tôi bắt tay ngay vào việc đi tìm địa chỉ căn nhà cũ của tôi ở số 5 đường Phan Nam ngày xưa.  Chúng tôi thất vọng ngay vì cả anh thư ký trẻ tuổi của lữ quán cũng như những người ngồi quanh đó, chả ai còn nhớ đến cái tên Phan Nam cả!  Ðã ba mươi năm qua rồi, kể từ ngày chế độ mới đặt tên cho nó chứ đâu có ít?  Lần theo những lối đi trong trí nhớ mù mờ của tôi, vợ chổng tôi cũng ráng đi tìm thử.  Chẳng được cái tích sự gì!

 

Nhưng Dung quyết không để thời gian trôi qua một cách phí phạm cho nên nàng đã đăng ký cho cả hai vợ chồng tôi đi thưởng ngoạn bằng tàu nhỏ ra các hải đảo rải rác quanh đó. 

 

Cuộc du ngoạn các hải đảo

 

Trả xong cái vé là 7 đô la,  chúng tôi bị nhét vào một xe khách nhỏ với mười ông "Tây Ba lô" đang ngồi chờ sẵn.  "Tây Ba lô" là từ địa phương có ý ám chỉ những du khách da trắng mũi lõ hay mang ba lô đi du lịch lang thang đó đây khắp nước.  Họ chở chúng tôi xuống một bến chài.  Một chiếc tàu đánh cá nhỏ đã được cải biến để chở khoảng 30 du khách, đa số là ngoại kiều, đi thăm 4 hải đảo nằm ngay trong vịnh Nha Trang.

 

Trước khi đến được hải đảo đầu tiên thì Dung đã làm quen được với một vài cặp Pháp kiều già.  Nàng bắt đầu bằng tiếng Pháp để trò chuyện với họ.  Chặp sau thì một đám choai choai Mỹ xen vào góp chuyện, nàng bắt qua tiếng Mỹ với họ, tiếng Pháp với các Pháp kiều, rồi tiếng Việt với tôi và những người còn lại.  Ai cũng thất kinh vì khả năng nói được nhiều thứ tiếng của nàng, còn nàng thì cứ nói năng một cách ung dung, phơi phới.  Té ra vợ tôi có nhiều tài kín mà nay mới có dịp được "loè".  Tôi chỉ biết hãnh diện và sung sướng cho nàng.

 

 

 

( Hình: một sạp hàng bán đủ các thứ trái cây )

 

Chúng tôi ghé thăm Ðảo Mun và chủ tàu để mặc chúng tôi đi tập lặn.  Phải công nhận là nước xanh và trong vắt, nhưng chẳng thấy có mấy cá.  Tôi đoán chắc chúng đã bị các ngư phủ quanh đảo lưới sạch cả rồi!  Vì không chuẩn bị trước nên vợ chồng tôi chẳng có đồ để đi tập lặn.  Ðành ngồi một chỗ để nghe Dung nói tiếng Pháp, tiếng Việt, rồi lại tiếng Anh, cũng sướng lỗ tai lắm chứ!

 

Chúng tôi sang đảo bên cạnh và ăn trưa ở đó.  Bữa ăn đã được bao gồm trong giá vé 7 đô la.  Ăn xong, chủ tàu và đoàn tài công trình diễn nhạc sống và mời chúng tôi góp phần tham dự.  Buổi trình diễn đã không cầu kỳ, mà lại rẻ và vui nhộn!  Sau đó chúng tôi kéo qua Ðảo Miêu, rồi nhóm chúng tôi thì chơi volleyball trên bãi, những người còn lại thì đi dạo quanh để thám hiểm hải đảo.  Chặng chót mà chúng tôi sẽ ghé bến là Làng Chài, nơi vợ chồng tôi lựa mua tôm hùm và những con mực to tướng ngay trong những cái nan đan bằng tre của dân chài để ăn bữa chiều.  Chúng tôi lựa ngay một con tôm hùm lớn nặng khoảng 1 kí và một con mực nang.  Chúng tôi xách tất cả trèo vào một cái ghe thúng và được hai chú nhóc con dùng thừng ì ạch lôi chúng tôi tấp vào vào một nhà hàng ở ngay trên bến. 

 

Tôm hùm và mực nang được ướp bằng gia vị bản xứ và ăn với nước chấm theo kiểu địa phương.  Thấy đồ ăn nhiều quá nên chúng tôi bèn mời chủ tàu và một anh tài công ngồi vào ăn cùng.  Nhưng cũng không ăn hết!  Trên đường trở lại tàu, Dung cho hai chú nhóc con đã kéo chiếc ghe thúng ít tiền làm chúng sướng tít người.

 

Tối đến, chúng tôi đi ăn ở nhà hàng Hai Vi nằm ngay cạnh lữ quán.  Ðồ ăn ngon.  Nha Trang thật đẹp và hiền hòa trong cảnh chiều tà.  Vầng trăng khuya rực sáng trên từng đợt sóng thành muôn hồng nghìn tía lấp lánh vỗ về.  Một quần đảo nhấp nhô đằng xa dưới ánh trăng vàng càng làm cho cảnh vật tăng thêm vẻ hoang đường và tình tứ.

 

Tôi thích được ở bên Dung trong những ngày và đêm như thế này.  Sống trên đời, có sướng mấy, ắt cũng chỉ đến thế này là cùng!

 

 

( Hình:  một hải đảo nhấp nhô trên sóng biển dưới nắng chiều )

 

Thứ ba ngày 22 tháng 2 năm 2005

 

Nha Trang, ngày thứ nhì.

 

Thoạt đầu thì chúng tôi tính ghé chơi ở Nha Trang rồi đi Bình Cang thăm cô Hương và cho cô ít tiền để giúp các cô nhi viện; nhưng sau khi thấy sinh hoạt của bà con của Dung ở Sài Gòn, chúng tôi đã quyết định cho họ tiền thay vì cho cô Hương vậy.  Thôi thì dành ngày thứ nhì ở đây để dạo chơi quanh Nha Trang.

 

Nha Trang nhỏ lắm.  Từ Cam Ranh đến Hòn Chồng cũng chẳng có mấy cảnh đẹp để mà ngắm với nghía!  Vợ chồng tôi thả bộ xuống chợ Nha Trang ở ngay cuối dốc đường để xem giá cả thế nào.  Chúng tôi mua ít măng cụt và chôm chôm.  Chợ này nhỏ hơn chợ Bến Thành nhiều, và hàng hóa lại càng ít tợn!  Trên đường trở về khách sạn, chúng tôi hỏi thăm dân bản xứ về đường Phan Nam mới biết rằng đường đó nay đã đổi tên thành hai đại lộ Pasteur và Trần Hưng Ðạo.  Lần xuống đường Yersin rồi rẽ qua đường Pasteur, tôi tìm thấy số 5 đường Pasteur.  Không lẽ đây là địa điểm của những căn biệt thự cũ? Nếu đúng thế thì những biệt thự ấy nay còn đâu mà ắt chúng đã bị phá sạch để nhường đất xây lên những cơ quan hành chánh của nhà nước.  Tôi vẫn đưa máy ảnh lên bấm vài tấm, may ra ba má tôi còn dùng những hình ảnh này vào việc chi chăng!

 

 

( Hình:  căn nhà số 5, đại lộ Pasteur )

 

Ðến bữa ăn trưa, chúng tôi chọn ngay chóc một nhà hàng nổi tiếng về các món ăn địa phương và ăn món nem nướng, một món ăn thuần túy bản xứ đã làm Nha Trang nổi tiếng.  Bữa ăn ngon thật.  Xong, chúng tôi thả bộ tà tà xuống bãi biển, vừa đi vừa tránh những đạo quân ăn xin và những người bán dạo dọc đường.  Rồi tối đến là ăn món tôm càng tại Phố Biển.  Cũng ngon thiệt.

 

Dân địa phương Nha Trang dậy sớm lắm.  Từ tờ mờ sáng đã có những người ra công viên tập khí công, có người chơi vũ cầu và có người thì đi bộ thể dục dọc theo những con đường lộ, nhưng khi mặt trời lên cao thì ai nấy đều lục tục biến vào các công sở hoặc núp hẳn vào trong nhà.

 

 

( Hình: căn nhà số 5, đại lộ Pasteur )

 

Thứ tư ngày 23 tháng 2 năm 2005

 

Trở lại Sài Gòn

 

Anh Tâm đánh xe đến khách sạn đón chúng tôi và chở chúng tôi ra phi trường Cam Ranh vào buổi sáng, rồi cả bọn bay trở về Sài Gòn.  Người tài xế của anh Tâm đã đợi sẵn ở phi trường Tân sơn Nhất và cho chúng tôi quá giang về khách sạn Bông Sen.  Trước khi chia tay, anh Tâm cho chúng tôi tên một bạn hàng đang làm chủ một công ty nhu liệu ở Ðà Lạt và bảo chúng tôi cứ đến gặp người bạn ấy một khi chúng tôi lên đấy chơi.  Anh thật là một người khiêm tốn và tử tế, dù anh là một người rất giàu có.

 

Phòng của chúng tôi ở khách sạn Bông Sen vẫn chưa được chuẩn bị xong nên Dung và tôi đi ngay một cuốc taxi đến một quán phở ngon nhất Sài Gòn.  Ðó là Phở Hòa nằm trên đường Pasteur.  Khi chúng tôi đến thì quán đã đông nghẹt. Cả quán đầy thực khách, địa phương cũng như ngoại quốc, đang ngồi la liệt san sát nhau chỉ để ăn một món quốc hồn quốc túy của Việt Nam, đó là phở.  Tuy quán chẳng mấy gì tinh sạch dưới con mắt của Dung, nhưng cũng đủ cho tôi hài lòng.  Phở ngon; phục dịch trung bình, giá phải chăng.  Chính hiệu Việt Nam!

 

Về đến khách sạn, chúng tôi thay quần áo rồi lại trực chỉ trở ra chợ Bến Thành.  Lần này thì Dung nhất định sẽ mua mấy gói chuối khô để mang về, và chúng tôi đã mua được nó ngay tại sạp hàng mà Dung đã mua cam thảo mấy bữa trước.  Nàng nhét chuối khô và bánh phồng tôm vào đầy cả các bao.  Khoảng 15 kí thì phải.

 

 

( Hình:  hạ nghị viện cũ và khách sạn Caravelle )

 

Bò bảy món

 

 

( Hình: Vui-Dung và gia đình cậu mợ Tài ăn tối )

 

Tối ấy, bà Sáu và cậu mợ Tài đến rước chúng tôi đi ăn tối.  Chúng tôi chen nhau ngồi chung trong một chiếc taxi để đi ăn bò bảy món.  Thiệt là đã!  Chúng tôi gọi hai xuất ( một xuất chỉ đủ cho hai người ăn)  và ít món đồ chay cho bà Sáu.  Cậu Tài cứ thao thao nói, còn tôi thì cứ mãi vừa ăn vừa nghe.  Dung rất thích món bánh tráng nước dừa là một trong những món phụ trong mục bò bảy món.  Sở dĩ nó độc đáo là vì không thể kiếm ra món này ở chỗ nào khác trong suốt chuyến về thăm quê hương lần này.

 

Thì ra cậu Tài giàu là nhờ tài sản của các anh chị em cậu đã để lại sau khi vượt biên tìm tự do vào những năm xưa.  Họ sang nhượng quyền sở hữu của những mảnh đất xung quanh nhà lại cho cậu và cậu đã bán bớt đi một mớ để xây lên cái nhà như hiện nay.

 

Cậu còn kể lại không biết bao nhiêu là gian truân mà chế độ mới đã gây ra khi họ nắm được chính quyền.  Ðáp lại, Dung cũng tâm sự không ít những mẩu chuyện về quãng đời tị nạn khốn khổ mà cha mẹ nàng đã phải chịu đựng trong những  năm đầu để thích ứng với đời sống ở nước Mỹ.  Vợ tôi thật khéo xã giao không ai bằng!

 

Thứ năm ngày 24 tháng 2 năm 2005

 

Ðà Lạt

 

Anh Tạo đến khách sạn từ sáng sớm để tìm tôi và Linh Tang, giám đốc công ty Mobinex.  Chúng tôi họp nhau để bàn bạc về những hợp đồng gia công ngoài nước, và Linh thì biểu diễn nhu liệu mới nhất "avatar chat" của hãng anh ta.  Trong lúc tôi đang họp thì bỗng nhận được cú điện thoại cầm tay của Nguyên gọi đến, hắn là một người bạn cũ thời chúng tôi còn học ở nhà đệ tử, và chúng tôi hẹn nhau sẽ cùng đi ăn trưa vào ngày thứ bảy.

 

Tôi vẫn hằng nao nức được gặp lại những người bạn năm xưa thời tôi còn ở Việt Nam.  Chao ôi, đã ba mươi năm trời rồi còn gì!  Tôi chỉ nhớ mài mại mặt mũi của chúng nó nhờ những hình ảnh đăng trên mạng Les Gabriels do tôi chủ xướng.  Cú điện thoại của Nguyên làm tôi mừng quá và càng làm tôi mong sớm được gặp lại chúng nó.

 

Sau buổi họp, anh Ngọc đánh xe đến đón anh Tạo và vợ chồng tôi đi Ðà lạt như đã dự tính.  Chúng tôi đi trùng con đường về ngang Biên Hòa để lên Ðà Lạt, chỉ dừng lại ăn trưa ở một quán cơm tấm bên đường.  Cơm ngon lắm.  Tôi "dứt" sạch hai dĩa đầy.  Rồi sau đó chúng tôi lên Bảo Lộc để vào thị xã Ðà Lạt. 

 

 

( Hình:  một bên đường của xa lộ dẫn vào thị xã Ðà Lạt )

 

Hai bên xa lộ thì đầy nhóc người, hàng quán và nhà cửa san sát chạy dọc theo.  Trong khi trẻ con thản nhiên đi bộ dọc hai bên vệ đường thì hàng loạt xe hơi, xe trọng tải và xe gắn máy cứ đua nhau chạy vù vù trên đường lộ.  Tuy lực lượng Công An có đặt chốt kiểm soát dọc theo xa lộ, nhưng dân vẫn có cách chạy nhanh mà không bị bắt.

 

 

( Hình: Phật đài nhìn từ thị xã Ðà Lạt )

 

Chạy xe hơi mà phải mất đến bảy giờ đồng hồ để đi từ Sài Gòn lên Ðà Lạt, một đoạn đường chỉ dài khoảng 240 km.  Tôi dám chắc đó chẳng phải vì đường xấu, bởi vì tôi đã đi nên biết, đúng ra là vì đường xá quá ít cho dân đi.  Chẳng hạn xa lộ từ Sài Gòn lên Ðà Lạt này thỉnh thoảng lại bị bó vào thành đường chỉ có hai làn chạy ngược chiều nhau, làm cho xe cộ không có cách chi để vượt nhau được.  Ðã vậy, nó lại chạy ngoằn ngoèo xuyên qua các thị trấn bên lề, nơi có đầy đặc những hiệu buôn tranh giành nhau từng tấc đất để kiếm sống.  Ðó là chưa kể đến các thầy chú Công An lúc nào cũng rình rập buộc các xe phải chạy với tốc độ dưới 50 km/ giờ.

 

 

( Hình: Hồ Xuân Hương Ðà Lạt )

 

Chúng tôi vào đến Ðà Lạt thì trời đã hoàng hôn.  Bởi sợ lạnh cho nên vợ chồng tôi đã bảo nhau đem theo áo khoác bằng da mặc cho ấm.  Thật ra,  trời chỉ mát dịu, và chúng tôi cũng không cần mặc đến chúng.  Chúng tôi gặp Mẫn tại khách sạn và lấy phòng cũng tại khách sạn ấy.

 

Liên

 

Bạn chúng tôi là Mẫn cũng lên chơi và đi cùng với một cô gái tên là Liên.  Từ khi Phượng, người vợ cũ của Mẫn qua đời, bạn bè va gia đình đã giới thiệu cho anh ta khá nhiều cô, con gái Việt Nam.  Tôi đoán có lẽ anh ta đã chọn Liên để đi nốt quãng đời còn lại.

 

Dung thoáng cho rằng có lẽ Mẫn hơi vội chăng?  Tôi chỉ biết khuyên nàng là cứ để cho hắn sống theo lối sống của hắn.  Liên trông cũng lịch sự ra phết đấy chứ, tuy có phần hơi nhút nhát.  Chẳng thấy nàng nói năng gì nhiều, nhưng Mẫn có vẻ làm cho nàng thích thú.  Chắc hẳn anh ta yêu đời hơn vì từ nay đã có bạn.

 

Những người bạn của anh Tạo

 

Chúng tôi rủ nhau cùng đi ăn tối.  Trên đường đến quán,  chúng tôi chạy ngang qua một con đường nơi một người bạn thân của anh Tạo từng cư ngụ.  Anh tạt vào thăm thử thì té ra anh bạn cũ vẫn còn ở đó, thế rồi chúng tôi kéo nhau đến một cái quán gần đó nhất.  Bạn anh tên là Khê, anh ta lôi theo người em gái đi cùng, nhóm chúng tôi giờ đây trở thành 8 người.  Tại bàn cơm, anh Tạo lại có thêm một vài người bạn đến kiếm.  Ðây quả là một buổi đoàn tụ nho nhỏ của anh Tạo vậy!

 

Ðồ ăn thì dở ẹt, nhưng chúng tôi vẫn thấy khoái vì cảnh đoàn viên, nhất là anh Tạo.  Khi tôi hỏi khẽ anh Khê rằng tôi đang có ý tìm đến địa chỉ số 4 đường Thủ Khoa Huân thì cả thảy mọi người đều tỏ ý biết đích xác địa điểm ấy.

 

 

( Hình: căn nhà số 4 đường Thủ Khoa Huân, Ðà Lạt )

 

Sau bữa ăn, họ dắt tôi đi thẳng đến căn nhà mà ba má tôi từng là sở hữu chủ.  Ngay từ những bước đầu đi lên con dốc soai soải là tôi đã nhận ra rằng nó chính là mái nhà xưa của tôi.  Biệt thự số 4 đường Thủ Khoa Huân nay đã là trụ sở của Ðài Phát Thanh và Ðài Truyền Hình của thành phố Ðà Lạt.  Nhà này từng là một trong những nơi nghỉ mát của gia đình tôi, và là nơi má tôi ưng ý nhất.  Trời đã khá khuya nên chúng tôi đành quay trở về khách sạn, để mặc anh Tạo và người bạn cũ lại một quán cà phê bên đường.

 

Khách sạn Duyên Hương ở Ðà Lạt tuy còn mới, nhưng vẫn chưa vừa ý Dung.  Nó ồn ào và khó ở làm sao ấy!  Tôi ráng điều đình bằng điện thoại cho xong với công ty SimDesk trước khi bước lên giường, chỉ để khám phá ra rằng Dung vẫn còn đang trăn trở đi tìm giấc ngủ!

 

Thứ sáu ngày 25 tháng 2 năm 2005

 

Ðà Lạt

 

Sáng ra, chúng tôi ăn bánh cuốn tại một cái quán nằm phía bên kia đường, đối diện với khách sạn.  Rồi anh Tạo dắt tôi đi chụp hình ở cái biệt thự cũ của tôi.  Thoạt đầu thì chúng tôi bấm một vài tấm ảnh chụp từ phía trước nhà, nhưng lại bị những kiến trúc chướng mắt xây thêm sau này chắn mất tầm nhìn, nên chúng tôi đành đi vòng ra đằng sau biệt thự.  Tại đó, tôi đụng độ người đàn bà đọc tin của Ðài Truyền Hình này và xin bà ta cho chúng tôi được phép quay phim những cảnh chung quanh và bên trong biệt thự, nhưng một mặt chúng tôi sẽ cố không làm cản trở hoặc phiền phức gì cho những sinh hoạt bình thường ở đây.  Rồi tôi tự giới thiệu tôi là một Việt kiều và ba má tôi xưa kia là chủ cũ của biệt thự này , làm bà ta trố mắt nhìn một cách thích thú.

 

Tôi thâu toàn bộ cảnh trí bên ngoài và chung quanh ngôi biệt thự.  Má tôi ắt phải thích đoạn phim này.  Ðà Lạt chỉ để lại trong tâm khảm tôi những hoài niệm không mấy đẹp.  Tôi chỉ nhớ hồi đó tôi chẳng ưa gì những cuốc xe đi lên đây bao giờ.  Thuở ấy tôi còn bé, những con đường ngoằn ngoèo chạy vòng qua những hẻm núi lúc nào cũng làm tôi say sóng.  Chưa kể đến khí lạnh ở đây luôn làm tôi nhuốm bịnh.  Tôi chỉ thích ngôi biệt thự và những ổ bánh mì ngon lành của một hiệu bánh ở cuối chân đồi chứ chả còn cái gì khác.  Ðưá em gái Ti của tôi và anh Hưng có lẽ rành thị xã này hơn hết vì họ sống ở đây lâu hơn tất cả các anh em khác trong nhà.

 

 

( Hình: một công viên giải trí ở Ðà Lạt )

 

Trong lúc quay phim căn biệt thự thì tôi nhận được một cú phôn cầm tay của anh Chí, một người bạn của anh Tâm, là người mà vợ chồng tôi đã quen từ chuyến đi Nha Trang mấy bữa trước.  Anh Chí mời anh Tạo và tôi đến thăm cơ sở sản xuất của anh ta ngay tại Ðà Lạt này.  Tôi và anh Tạo bèn quay trở về khách sạn, đặng anh Ngọc còn chở chúng tôi đến VidalTek, công ty của anh Chí.  Anh Ngọc thả chúng tôi xuống đó rồi chở Dung đi chợ Ðà Lạt.  Sau đó thì anh quay trở lại để đón chúng tôi dạo một vòng quanh Ðà Lạt chơi cho biết. 

 

Dạo chơi quanh Ðà Lạt

 

Ðà Lạt là một thị trấn du lịch nhỏ với dân số khoảng một phần tư triệu người.  Cửa hiệu làm bánh ngày xưa ở cuối chân đồi đã dẹp tiệm từ hồi nào bởi vì gia đình chủ tiệm đã xuất ngoại.  Hồ Xuân Hương thì nhỏ hơn nhiều so với những gì tôi còn nhớ trong ký ức và Sân Cừu thì đã có hàng rào bao bọc với những mái nhà mọc lên chung quanh.

 

Anh Ngọc chở chúng tôi đến viếng vườn hoa Ðà Lạt.  Cũng chẳng có gì là đặc sắc, chả trách Dung thì tỏ vẻ dửng dưng và anh Tạo thì cứ chế diễu về món tiền 1,50 đô đã phí phạm để trả cho vé vào cửa.

 

Sau đó chúng tôi đi ăn kem ở Hồ Xuân Hương, và ghé thăm Viện Ðại Học Ðà Lạt, nơi anh Tạo đã theo học hồi đó.  Anh có vẻ sung sướng về thăm lại trường cũ.  Người gác cổng ra dấu cho phép và cứ thế mà xe chúng tôi lăn bánh vào hẳn bên trong khuôn viên của trường.  Anh Tạo đưa máy ảnh lên bấm lia lịa.  Ðã từ lâu, chưa bao giờ chúng tôi thấy anh vui như thế.

 

 

(Hình : Một góc Hồ Xuân Hương)

 

Chúng tôi quay trở về khách sạn để gặp lại những người bạn của anh Tạo và để cùng kéo nhau đi ăn trưa.  Tại khách sạn, một trong những người bạn cũ của tôi hồi đó tên là Ninh đã gọi phôn cho tôi và muốn gặp.  Chúng tôi gặp nhau ở nhà hàng HP, một nhà hàng thuộc hạng sang ở thị xã này.  Ninh mang vợ đi theo, còn anh Tạo thì kéo thêm 5 người bạn cũ nữa.  Chuyện trò dòn tan và thức ăn thì ngon khỏi nói!

 

Ninh vừa làm chủ, vừa lái chiếc xe trọng tải 8 tấn, dùng để chở mọi thứ rau quả từ Ðà Lạt xuống các chợ ở miền đồng bằng, rồi chất gạo lên cho đầy xe và đem về Ðà Lạt.  Hắn bảo công việc vất vả lắm chẳng qua vì thời tiết lên xuống trong ngày.  Vì xe không có trang bị hệ thống làm lạnh cho nên hai vợ chồng hắn đã phải thức dậy để chất các thứ rau trái lên xe từ sáng sớm ở Ðà Lạt, và phải đi giao gấp xuống các chợ ở miền đồng bằng trong khi trời còn mát,  nếu không thì hoa quả sẽ bị hư bỏ hết.  Vợ Ninh trông tử tế và rất lanh lợi, hai vợ chồng coi cũng khá tâm đầu ý hợp. Chị ta nói toàn chuyện đạo đức và cứ tỉ tê tâm sự với Dung về căn bịnh ngoài da hiếm có của đứa con trai lớn của họ, đã được chữa lành như thế nào bằng nước thánh lấy từ Fatima và bằng lời cầu nguyện.  Ninh vẫn vui, dù coi bộ khá mệt mỏi vì chuyến xe chạy hàng buổi sáng. 

 

 

( Hình: vợ chồng Ninh và vợ chồng Vui )

 

Chúng tôi rời Ðà Lạt vào lúc 3:30 chiều và về đến Long Thành vào lúc 8:30 tối, vừa đúng lúc để bắt kịp cuộc thảo luận bằng phôn với luật sư của chúng tôi và với Ross Crawford về những chuyện quanh vụ Garage A.  Cuối cùng thì chúng tôi cũng về đến khách sạn Bông Sen vào lúc 10:30 tối.  

 

Thứ bảy ngày 26 tháng 2 năm 2005

 

Ngày cuối ở Sài Gòn

 

Bạn tôi là Lân đến đón chúng tôi tại khách sạn vào sáng thứ bảy.  Trông hắn bề thế trong chiếc xe của công ty có tài xế lái hẳn hoi.  Hắn chở chúng tôi đến nhà hàng Vườn Cau ở gần Bến Bạch Ðằng,nơi chúng tôi nhập vào bọn Nguyên, Phước, Phú Sơn, Hải và Linh.

 

 

( Hình: lớp Gabriel )

 

Tôi cảm thấy thật sung sướng khi gặp lại những người bạn cũ năm xưa, nhưng tôi cũng không tài nào nhận ra nổi những khuôn mặt ấy.  Những cơ cực chồng chất lên qua nhiều năm tháng đã làm chúng già trước tuổi rất nhiều.  Có lẽ Lân là người thành công nhất trong bọn cho nên xem hắn có phần vui nhộn và xông xáo trong khi những đứa còn lại thì trông thật nhút nhát e dè.  Nguyên trở nên một triết gia ưa lý luận.  Hình như vì tóc hắn cứ thưa dần cho nên hắn phải để dài phần tóc còn lại để bù cho khoảng đã mất thì phải.  Hắn nói năng nhỏ nhẹ, chậm chạp, và ưa liên tưởng đến những chuyện "hồi đó".  Phước làm việc trong một ngành họa phẩm nào đó thì phải, chuyên vẽ hình và dùng PhotoShop.  Hắn không thố lộ gì nhiều, dù chỉ là những tâm tư của một người biết an phận.  Phú Sơn làm việc cho một hãng may và chuyên may quần áo, hoặc làm ở một khâu nào đó trong dây chuyền sản xuất của hãng.  Có thấy hắn nói năng gì mấy đâu, nhưng hắn uống khá lắm.  Linh xem có vẻ nghèo nhất trong bọn thì phải.  Hắn phải lái xe ôm kiếm sống, nhưng hình như cũng không khá.  Hải đến trễ, nhưng nhộn hơn hết.  Tôi chẳng nhớ nổi hắn nói hắn đang làm nghề gì, nhưng chỉ nhớ mang máng là hắn đang lo nhiều về chuyện con cái thì phải.

 

Nói chung thì cả bọn xem chừng như tiêu biểu cho cả một thế hệ.  Có kẻ thì đã thành công, nhưng có người thì vẫn còn phải phấn đấu.  Lạ ở chỗ là cả một  bọn tu xuất với nhau, bỗng tự cảm thấy mình lạc lỏng giữa cái chợ đời đầy những xô đẩy ồ ạt hiện nay ở Việt Nam hiện nay. 

 

Sau bữa ăn, Dung tỏ vẻ ái ngại cho hoàn cảnh sống của Linh ở Việt Nam hiện nay.  Tôi bảo nàng rằng thỉnh thoảng tôi đã có gởi anh  ta ít tiền khi nhận được e-mail cầu cứu của anh ta.  Dung mới có vẻ yên tâm hơn.

 

Bà cô Sáu

 

Chúng tôi thanh toán chuyện trả phòng cho khách sạn để đi gặp bà cô Sáu.  Bởi bà Sáu đã có dặn chúng tôi cứ đem hết hành lý lên nhà cậu Tài và bà sẽ lên đó sau, chúng tôi bèn lên thẳng nhà cậu Tài và ngồi trò chuyện với mợ một chốc. 

 

 

( Hình: Dung đang đứng trước một sạp bán trái cây )

 

Nhưng rồi bà Sáu cũng chưa lên được với chúng tôi, vì bà không kiếm được ai để coi giùm đồ trong khi bà đi vắng.  Bà đến muộn trong lúc mợ Tài đã đèo Dung chạy tuốt ra chợ bằng xe gắn máy.  Thấy Dung ngồi với mợ Tài trên chiếc xe gắn máy mà tôi phát ớn!  Ai còn lạ gì cái kiểu lái xe của dân Việt Nam?

 

Tôi được dịp ngồi trò chuyện với bà Sáu một lát.  Bà tỉnh táo lắm.  Ðầu óc bà vẫn tinh tường và bà ăn nói khá lưu loát.  Qua lời bà kể, tôi như khám phá được khá nhiều mánh lới mà ai cũng phải biết để giành giật sự sống còn trong xã hội Việt Nam.  Chính bà đã phải từng trải khá nhiều và tồn tại  giữa cuộc sống đầy những bất trắc ở cái quê hương đau khổ này.  Ðại khái là muốn sống còn thì lúc nào ta cũng phải tỉnh táo và lanh lợi, thế thôi!

 

Những anh em họ của Dung

 

Tôi mừng rỡ khi thấy Dung ở chợ về.  Vợ chồng tôi đi taxi lên căn nhà ở cái hẻm nhỏ để Dung cho các anh chị em họ của nàng ở đó ít tiền. 

 

Ngồi trong xe, Dung đưa bà Sáu 300 đôla.  Ðây là một số tiền lớn ở Việt Nam khả dĩ có thể giúp bà sống qua ngày ít nhất là nửa năm trời.  Tôi quay mặt đi chỗ khác để bà khỏi ái ngại, nhưng biết chắc bà ta rất sung sướng khi nhận được sự giúp đỡ của Dung. 

 

Sau vài lời thăm hỏi ngắn ngủi, Dung cho mỗi người 50 đôla ( bảy người và ông dượng ), tính ra cũng xấp xỉ với một tháng tiền lương của họ đấy chứ.  Ai cũng có vẻ sung sướng.

 

 

( Hình: các cô em họ của Dung )

 

Thoạt đầu thì đáng lẽ chúng tôi đem số tiền ấy tặng cho cô Hương và các cô nhi viện, nhưng sau khi gặp bà con Dung và thấy sinh hoạt của họ, chúng tôi đã quyết định rằng dầu sao thì "một giọt máu đào cũng còn hơn là một ao nước lã" , cho nên có phải giúp đỡ họ hàng mình trước thì cũng là chuyện đương nhiên thôi.

 

Ðêm thứ bảy ở Sài Gòn

 

Chúng tôi đến ăn tối ở nhà cậu Tài trước khi ra phi trường thể theo lời mời của cậu.  Bữa ăn ngon tuyệt.  Ðồ biển còn tươi, đủ tất cả các món do người hầu liên tiếp bưng ra. 

 

 

( Hình:  Vui- Dung và bữa ăn cuối cùng ở nhà cậu Tài )

 

Ðó là cảnh của một gia đình hạnh phúc.  Cô con gái tên Tú làm việc cho hãng Hàng Không Việt Nam.  Tú có học thức khá và nói được vài thứ tiếng.  Xã hội Việt Nam rõ là vẫn còn nhiều giai cấp.  Cậu Tài và gia đình sung sướng sống trong cảnh sang giàu với bao nhiêu là kẻ hầu người hạ, ăn toàn cao lương mỹ vị và có nhiều bè bạn lui tới; trong khi một số anh em họ của nàng lại sống chen chúc trong cái nhà nhỏ ở cuối hẻm và tranh nhau xem chiếc ti vi màu cổ lổ sĩ.

 

Chúng tôi rời nhà khoảng 10 giờ tối để ra phi trường.  Phi trường đông nghẹt người, nhưng thực ra toàn những người đi đưa đón thân nhân.  Vào đến bên trong thì lại thấy vắng lạ, chẳng có mấy khách du lịch ở trong ấy.  Thủ tục xuất cảnh nhanh như gió.  Chẳng ai buồn để ý Dung đã mua 150 bạc mắm để chung trong hành lý của chúng tôi. 

 

Trên đường bay về Nhật Bản, Dung đã hỏi tôi nghĩ gì về Việt Nam. Tôi chẳng biết phải trả lời sao khi đầu óc vẫn còn miên man những tâm tình hỗn độn.  Tôi chỉ nghĩ đến mái ấm của chúng tôi, tôi mừng vì máy bay cất cánh, cho nên tôi quyết  tập trung để viết bài này.  Có lẽ tôi nên viết cảm nghĩ của tôi về Việt Nam một lúc nào đó, nếu tôi cảm thấy sẵn sàng.

 

Vui

 

( Dịch: Hà voi- Phục Sinh 2005 )

Original English verion - click here 

 

 

 


 

More Stories
Increase your website traffic with Attracta.com